Nhiều điểm mới liên quan đến xác định trước mã số hàng hóa, cũng như việc khai thay đổi mục đích sử dụng đã được sửa đổi, bổ sung trong Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC nhằm minh bạch, cụ thể hóa.
Bổ sung hồ sơ xác định trước mã số
Hồ sơ xác định trước mã số hiện được quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư 38/2015/TT-BTC gồm: Đơn đề nghị xác định trước mã số; mẫu hàng dự kiến XK, NK. Trường hợp không có mẫu hàng, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu kỹ thuật của hàng hóa.
Quy định này đang phát sinh bất cập trong thực tế, bởi quy định hiện hành không buộc phải có tài liệu kỹ thuật trong hồ sơ xác định trước mã số. Tuy nhiên thực tế việc phân loại, xác định trước mã số hàng hóa phải dựa vào thông tin tài liệu kỹ thuật. Do vậy, phát sinh trường hợp cơ quan Hải quan đề nghị DN bổ sung tài liệu kỹ thuật, dẫn đến kéo dài thời gian xác định trước mã số. Bên cạnh đó, quy định hiện hành cũng không nêu cụ thể việc tiếp nhận và xử lý mẫu hàng hóa đề nghị xác định trước mã số của cơ quan Hải quan; cũng như không hướng dẫn trường hợp đang chờ kết quả xử lý của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP.
Chính vì vậy, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC bổ sung quy định, hồ sơ xác định trước mã số gồm: Đơn đề nghị xác định trước mã số theo mẫu; tài liệu kỹ thuật do tổ chức, cá nhân đề nghị xác định trước mã số hàng hóa cung cấp; mẫu hàng hóa dự kiến XK, NK (nếu có). Cơ quan Hải quan sẽ tiếp nhận và xử lý mẫu hàng hóa XK, NK theo quy định tại Điều 10 Thông tư 14/2015/TT-BTC.
Vấn đề kiểm tra việc áp dụng thông báo xác định trước mã số cũng được sửa đổi, bổ sung trong Thông tư khắc phục bất cập hiện nay. Tại Khoản 5 Điều 27 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định nếu hàng hóa XK, NK không đúng với thông báo kết quả xác định trước mã số thì CBCC hải quan tiến hành kiểm tra, xác định mã số, xuất xứ, trị giá hải quan theo quy định tại Thông tư này và báo cáo Tổng cục Hải quan ra văn bản hủy bỏ giá trị thực hiện của thông báo kết quả xác định trước. Tuy nhiên quy định như vậy mâu thuẫn với Điểm b Khoản 6 Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định văn bản thông báo kết quả xác định trước không có hiệu lực áp dụng trong trường hợp hồ sơ thực tế XK, NK khác với mẫu hàng hóa hoặc hồ sơ đề nghị xác định trước.
Vì vậy, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC không quy định việc báo cáo Tổng cục Hải quan ra văn bản hủy bỏ giá trị thực hiện của thông báo kết quả xác định trước theo quy định tại Khoản 6 Điều 24 Nghị định 08/2015/TT-BTC. Ngoài nội dung trên Thông tư còn bổ sung quy định liên quan đến trường hợp đang chờ kết quả xử lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Về hồ sơ hải quan khi làm thủ tục hải quan, quy định tại Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC chỉ quy định chung hồ sơ hải quan đối với hàng hóa XK, NK thuộc đối tượng không chịu thuế mà chưa quy định cụ thể hồ sơ cho từng trường hợp như: Hàng hóa NK là hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; hàng hóa NK thực hiện các dự án ODA không hoàn lại của Việt Nam cho nước ngoài; hàng hóa XK để thực hiện dự án ODA của Việt Nam cho nước ngoài… Đồng thời cũng chưa quy định đầy đủ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa miễn thuế XK, NK; hồ sơ giảm thuế trong thông quan, hồ sơ không thu thuế trong thông quan. Để minh bạch, cụ thể, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung Điều 16 làm rõ hồ sơ mà người khai hải quan phải nộp đối với từng trường hợp hàng hóa XK, NK không thuộc đối tượng chịu thuế; hàng hóa miễn thuế XK, NK; trường hợp giảm thuế; không thu thuế.
Vấn đề lưu giữ hồ sơ hải quan cũng được quy định bổ sung tại Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC nhằm giảm thiểu hồ sơ hải quan phải nộp cho cơ quan Hải quan; cụ thể hóa hồ sơ DN phải lưu giữ phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan Hải quan; quy định chi tiết các chứng từ cần phải lưu giữ liên quan đến xác định mã số, thuế suất, trị giá, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, xóa nợ, nộp dần tiền thuế, xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế, xác định trước mã số, xác định trước trị giá, các chứng từ khác có liên quan đến hàng hóa XK, NK theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP.
Thêm hướng dẫn khi thay đổi mục đích sử dụng
Về khai thay đổi mục đích sử dụng, quy định hiện hành về chính sách thuế chỉ nêu khi tái xuất hoặc chuyển nhượng cho đối tượng miễn thuế, không chịu thuế thì không phải nộp thuế. Chưa quy định đối với trường hợp chuyển nhượng cho đối tượng miễn thuế, không chịu thuế thì người nhận chuyển nhượng hay người chuyển nhượng thực hiện thủ tục hải quan trên tờ khai mới; cũng như chưa quy định trách nhiệm đối với cơ quan Hải quan trong trường hợp người nhận chuyển nhượng thuộc đối tượng miễn thuế phải thông báo danh mục miễn thuế; chưa quy định trách nhiệm của người nhận chuyển nhượng thuộc đối tượng miễn thuế phải thông báo danh mục miễn thuế.
Chính vì vậy, tại Thông tư 38 sửa đổi, bổ sung quy định về khai thay đổi mục đích sử dụng theo hướng: Đối với trường hợp chuyển nhượng cho đối tượng thuộc diện chịu thuế, miễn thuế, người khai hải quan là người nhận chuyển nhượng.
Trường hợp người nhận chuyển nhượng phải thực hiện thông báo danh mục miễn thuế, cơ quan Hải quan thực hiện trừ lùi hàng hóa nhận chuyển nhượng trên danh mục miễn thuế của người nhận chuyển nhượng. Người chuyển nhượng phải thực hiện thông báo cho cơ quan Hải quan nơi tiếp nhận thông báo danh mục miễn thuế trước đây về việc chuyển nhượng hàng hóa đối với trường hợp đã thông báo danh mục miễn thuế hoặc thông báo cho chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan ban đầu nếu không thuộc trường hợp thông báo danh mục miễn thuế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét